[TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] RỪNG XÀ NU – NGUYỄN TRUNG THÀNH

Ngày 29/11/2020 10:56:11, lượt xem: 3028

[TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] RỪNG XÀ NU – NGUYỄN TRUNG THÀNH

Nguyễn Trung Thành sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước lầm than khi phải trải qua hai cuộc kháng chiến lớn, hơn ai hết, ông trân quý và khâm phục những con người đã hy sinh hết mình cho cách mạng, cho Tổ quốc thân yêu. Đặc biệt đối với mảnh đất Tây Nguyên anh dũng cùng những con người bộc trực, dũng cảm và kiên trung, một lòng gắn bó cách mạng được ông ưu ái và dành nhiều niềm thương yêu. Bởi vậy, mà bao nhiêu cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên anh hùng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để ông viết nên tác phẩm “Rừng xà nu” và đã trở thành một kiệt tác gắn bó với sự nghiệp của ông. Rừng xà nu được viết vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt của dân tộc ta. Tác phẩm ca ngợi bản lĩnh, ý chí sắt đá, bất khuất kiên cường của đồng bào vùng Tây Nguyên. Để có một bài nghị luận văn học trọn vẹn về tác phẩm này, không thể thiếu một kết bài ấn tượng. Vì vậy, hãy tham khảo các dưới đây kết bài của Học văn chị Hiên nhé!

KB1:

Trong tác phẩm “Đất nước”. Nguyễn Đình Thi đã viết:

“Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh”

Không khí ấy, tâm thế ấy có lẽ đã được diễn tả sâu sắc nhất trong truyện ngắn “Rừng xà nu”. Những trang văn của Nguyễn Trung Thành khép lại nhưng đã mở ra trước mắt ta tượng đài những người anh hùng bất khuất, không bao giờ chịu khuất phục trước dã tâm của kẻ thù. Âm hưởng sử thi của thiên truyện vẫn còn âm vang trong lòng bạn đọc như tiếng gọi của đại ngàn Tây Nguyên, như lời khẳng định chắc chắn một sự thật lịch sử rằng: để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác. “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành sẽ mãi sáng ngời những vẻ đẹp tráng lệ và hào hùng ấy.

KB2:

 Bấy nhiêu hi sinh là bấy nhiêu tự hào. Biết bao gian khổ là biết bao những kiên trì, quyết tâm cho một ngày mai “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Những người con của núi rừng Tây Nguyên như cụ Mết, Tnú, Mai… là kết tinh của bao gian lao và cả tinh thần anh dũng, kiên cường của tình yêu nước nồng nàn luôn rực cháy trong tim. Xây dựng thành công hình tượng người anh hùng, tập thể anh hùng mang âm hưởng sử thi, với lời văn chau chuốt, sinh động, Nguyễn Trung Thành cùng thiên truyện “Rừng xà nu” đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nơi người đọc, khiến ta vẫn còn nhớ mãi, thương mãi và tự hào mãi về những năm tháng gian lao mà huy hoàng của dân tộc.

“Yêu biết mấy, những con người đi tới

Hai cánh tay như hai cánh bay lên

Ngực dám đón những phong ba dữ dội

Chân đạp bùn không sợ các loài sên!”

(Tố Hữu)

Học văn chị Hiên mong rằng những kết bài trên đây sẽ giúp các bạn viết nên những kết bài hay của riêng mình cũng như một bài văn nghị luận văn học về tác phẩm này. Để theo dõi thêm các kiến thức và bài học bổ ích, hãy theo dõi ngay: Học văn chị Hiên.

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên – Hơn cả một bài văn

Tin liên quan